Như vậy, thương lượng không chỉ là trò chơi dành cho những kẻ chuyên nghiệp mà còn là điều mà ai cũng có thể làm được. Có rất nhiều điều trên thế giới này mà nắm đấm hay vũ khí không thể đem lại giải pháp cho bạn, lúc này, bạn cần tìm đến “thương lượng”. Luyện tập và thực hành thật tốt chuyện đàm phán, bạn có thể có được điều mình muốn mà không phải gặp vật cản nào đáng kể.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những bước để bạn có thể trở thành nhà đàm phán tài năng.
1. Chuẩn bị
Ngay cả khi bạn đã là một kẻ lão luyện trong những phi vụ mặc cả, thương lượng thì công đoạn chuẩn bị cũng không bao giờ là thừa.
- Nghiên cứu kỹ lưỡng về mục tiêu của bạn. Nếu như đang thương lượng về mức lương cho công việc mới, hãy hỏi những người có kinh nghiệm đi trước. Nếu muốn tìm hiểu về giá cả của một món đồ, chỉ việc đảo một vài vòng qua các trang web mua- bán online…Để không trở thành “món gà quay” trên bàn thương lượng, hãy cố gắng tìm hiểu được càng nhiều thông tin càng tốt về phi vụ bạn đang thực hiện.
- Luyện tập trước cho bản thân. Mặc dù nhiều người nghĩ việc tự nói chuyện, đối thoại với bản thân trước gương có vẻ khá ngốc nghếch, tuy nhiên, sự ngượng ngùng mà bạn gặp phải khi phải tự nói chuyện với chiếc gương cũng có thể quay lại khi bạn ngồi trên bàn nói chuyện với đối tác. Hãy tập nói chuyện với chính mình, làm cho cuộc nói chuyện này giống như một cuộc thương lượng thực sự.
- Chuẩn bị tâm lý. Hãy làm nguội cái đầu của bạn trước khi ngồi vào bàn làm việc. Nếu như cảm thấy không thoải mái thì cuộc nói chuyện, đàm phán thông thường của bạn có thể sẽ trở thành một cuộc cãi vã và chắc chắn điều đó hoàn toàn không tốt chút nào dù là cho công việc hay những mong muốn nhỏ nhặt mà bạn đang muốn đề đạt. Giữ cho cuộc đàm phán nhẹ nhàng, đơn giản và bình tĩnh là điều quan trọng mà bạn cần chú tâm.
2. Hãy hợp tác với đối tác
Trong hầu hết mọi cuộc chơi, kết quả thu được bao giờ cũng là một bên thắng cuộc và phía còn lại thua cuộc. Tuy nhiên, đàm phán và thương lượng lại là trò chơi mà cả 2 phía đều có cơ hội thắng cuộc, trên thực tế, không một bên nào trong một cuộc đàm phán lại phải chịu thua thiệt hoàn toàn, cả 2 bên đều sẽ nhận được một vài thứ gì mà họ mong muốn.
Hãy lấy ví dụ: Bạn cảm thấy như đồng lương cho mình chưa thỏa đáng và muốn nâng cao mức lương của mình. Bạn gõ cửa phòng sếp và đề đạt nguyện vọng của mình. Rất may mắn, sếp của bạn cũng đồng ý với ý kiến của bạn. Và nhờ đó, bạn có tâm lý thoải mái hơn để làm việc, năng suất tăng cao và giúp cho không khí làm việc tốt hơn.
Mặt khác, hãy lấy ví dụ theo chiều hướng ngược lại: Sau khi gõ cửa phòng làm việc của ông chủ, bạn đề đạt nguyện vọng về công việc. Tuy nhiên, sếp của bạn không đồng ý tăng lương cho bạn. Cảm thấy khó chịu, không vừa ý, bạn tiếp tục làm việc nhưng với thái độ tiêu cực, giảm năng suất cũng như luôn bất mãn với nơi mình làm việc.
Sẽ rất tốt nếu như bạn rơi vào trường hợp đầu tiên, như vậy cả sếp của bạn và bản thân bạn đều được hưởng những món lợi nhất định. Nhưng nếu gặp phải trường hợp thứ hai, bạn đừng vội vàng bỏ cuộc. Đôi khi, chỉ vì một vài lý do bất khả kháng như tình hình làm ăn không tốt hoặc ông chủ của bạn đang muốn giữ vốn mở rộng việc làm ăn nên không có điều kiện tăng lương cho bạn. Lúc này, đừng dồn đối tác trên bàn đàm phán vào chân tường, hãy khôn khéo lèo lái sang mục tiêu khác. Bạn chỉ cần đàm phán với sếp về việc thay đổi giờ làm, tăng thời gian nghỉ hoặc như cho phép bạn được làm việc tại gia. Lúc này, mặc dù bạn không thể hưởng lợi ích hoàn toàn nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái hơn.
Hãy luôn nhớ rằng, trong một cuộc đàm phán, cả 2 bên đều đang nhằm vào một chiếc bánh lợi nhuận, điều cả 2 phía cần cùng làm trước khi chia chiếc bánh là mở rộng nó ra hết mức có thể. Đừng giới hạn những quyền lợi mà bạn đang muốn đàm phán vì đôi khi nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đối tác. Hãy hành động khôn khéo hơn để cả đôi bên cùng cảm thấy thoải mái và nhận được những gì mình cần. Hợp tác và chia sẻ với đối tác là chìa khóa quan trọng nhất để thành công trong cuộc đàm phán.
3. Và vài điều nhỏ nhặt
Luật đàm phán 15-20%. Trong những cuộc thương lượng, mặc cả hãy luôn cố giảm giá của món đồ bạn muốn mua xuống khoảng 15-20%, giảm nhiều hơn con số ấy sẽ gây ấn tương không tốt ban đầu cho người bán (Chắc chắn bạn không muốn gây sự khó chịu trong một vụ làm ăn chút nào), giảm ít hơn con số đó và bạn sẽ tỏ ra là một kẻ non nớt trong mắt người bán.
Giữ im lặng và lắng nghe. Ở trên, chúng ta đã nói về việc chuẩn bị thông tin trước mỗi phi vụ làm ăn, tuy nhiên, những gì chúng ta chuẩn bị trước đôi khi vẫn chưa đủ cho tình hình cụ thể, và lúc này, sự im lặng là công cụ tốt nhất của bạn. Nếu như bạn đưa ra mức giá quá thấp cho món đồ bạn muốn mua (Hoặc mức giá quá cao cho món đồ bạn muốn bán), hãy giữ khoảng lặng và lắng nghe thông tin từ phía đối phương càng nhiều càng tốt, và từ những gì bạn vừa thu thập được, trong mỗi trường hợp cụ thể, hãy khôn khéo điều chỉnh cuộc thương lượng theo ý của bạn.
4. Và nếu như bạn cảm thấy vẫn chưa đủ
Người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Ngay cả trong những cuộc làm ăn, mua bán hay những cuộc điều đình để tăng lương, việc gặp mặt, đối diện với đối tác bao giờ cũng là điều tốt nhất. Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy không đủ tự tin hoặc chưa đủ kinh nghiệm để có thể hoàn thành cuộc đàm phán một cách tốt nhất, hãy chọn cách né tránh cuộc đàm phán mặt đối mặt.
Trong thời hiện đại, có rất nhiều công cụ mà chúng ta có thể sử dụng để hỗ trợ cho một cuộc đàm phán, thương lượng mà không phải gặp mặt. Một bức thư hoặc một e-mail là quá đủ để đề đạt những gì bạn cần với đối tác (Hãy đảm bảo rằng bức thư của bạn đảm bảm được những quy phạm chuẩn). Mặc dù những bức thư hay thư điện tử không cho phép bạn thể hiện một cuộc đàm phán hoàn hảo, nhưng ít ra, nếu bạn không có đủ kinh nghiệm, việc đàm phán này có thể cho bạn thêm thời gian để bình tĩnh suy nghĩ và chuẩn bị những gì bạn cần.
Mặc dù cũng là một phương tiện giao tiếp hiện đại nhưng bạn không nên gọi điện để hoàn thành một cuộc đàm phán. Việc gọi điện trực tiếp vốn đã khó có thể cung cấp cho bạn những thông tin đầy đù để hoàn thành cuộc thương lượng, hơn thế, bạn cũng không có thời gian để sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng những gì mình cần.
5. Kết
Suy cho cùng, thương lượng và đàm phán không chỉ đơn giản là việc ngồi trên bàn giấy và uốn 3 tấc lưỡi để đạt được những gì mà bạn cần. Đàm phán và thương lượng là một chuỗi những hành động để tìm ra những gì bạn và đối tác của bạn thật sự cần, cũng như tìm ra con đường để cùng đạt được những điều đó. Như đã nói ở trên, một cuộc thương lượng hoàn hảo sẽ kết thúc khi mà cả 2 phía của cuộc đàm phán này ra về hài lòng với những gì mà họ đạt được.
Dĩ nhiên, trong cuộc sống có rất nhiều tình huống đặc biệt có thể xảy ra, những gì chúng ta tìm hiểu trong bài viết này chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ. Trong cuộc sống, hãy sử dụng một chút kiến thức cơ bản này, và bạn sẽ có thể trau dồi và hoàn thiện kỹ năng của mình.
Tham khảo: LifeHacker